Xã yên hòa
Thứ ba, ngày 17/09/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Thứ năm, 21/10/2021

Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát. Sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương; người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn bệnh; tái đàn, tăng đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh… được cho là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Chăm sóc đàn lợn cẩn thận nhưng bà Nguyễn Thị Giác (xã Yên Đồng, huyện Yên Mô) vẫn lo lắng khi dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, hiện chưa có vắc xin và thuốc chữa trị. Loại virus này có sức đề kháng cao trong môi trường. Nó có thể tồn tại từ 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch thì việc tiêu hủy lợn bị dịch bệnh cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn có những trường hợp lợn chết bị vứt trực tiếp ra môi trường, sông, hồ. Ông Phan Văn Miền, một hộ chăn nuôi lợn ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô bức xúc: "Gia đình tôi nuôi tới 6-7 trăm con lợn nên công tác phòng chống dịch được thực hiện rất chặt chẽ, chuồng trại được phun khử khuẩn thường xuyên, người ngoài không được phép vào trại… Thế nhưng vừa qua, tôi đã "tá hỏa" khi phát hiện xác lợn to trôi nổi trên sông ngay cạnh trang trại của mình. Nếu chẳng may con lợn đó mắc bệnh tả lợn châu Phi rồi lây lan ra thì thiệt hại khôn lường. Đây quả thực là việc làm đáng lên án. Tuy nhiên, cái khó là phải bắt được quả tang và xác định địa điểm vứt lợn chết ở đâu mới xử lý được". 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Trong quý I/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, có thời điểm cả tỉnh chỉ còn 3 xã có dịch. Tuy nhiên từ cuối tháng 4/2021 đến nay dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại. Hiện nay, toàn tỉnh còn 27 xã của 6 huyện là Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn có dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Lũy kế từ ngày 1/1/2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 725 hộ/276 thôn với quá nửa số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có dịch. Số lợn chết tiêu hủy bắt buộc là hàng nghìn con. Đặc biệt, gần đây, dịch có dấu hiệu bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Yên Khánh.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc. Kết quả cho thấy có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan, đó là sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch chủ yếu tái phát xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà ngay lập tức bán chạy hoặc giết mổ lợn để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương phải dồn sức cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên nhân lực dành cho công tác thú y bị thiếu, công tác giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh còn hạn chế, đã có trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan… Đặc biệt, thời gian gần đây, giá lợn hơi giảm mạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hộ chăn nuôi lơ là trong phòng chống dịch.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh các cấp về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ tái phát và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững, khi có lợn ốm, chết chủ động khai báo dịch, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn. Tổ chức rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi mới xuất hiện, tuyệt đối không để lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường…

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn

Thông tin truy cập

Truy cập: 1187829

Trực tuyến: 47

Hôm nay: 221