Xã yên hòa
Thứ ba, ngày 17/09/2024
Chào mừng bạn đến với Website Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc

Thứ tư, 25/05/2022

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc

Sáng 22-5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm ủy ban này - đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT. Theo đó, đa số ý kiến không đồng tình với việc đưa môn lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục - Ảnh: NGỌC THẮNG

Truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn sử

Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng môn lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp. 

Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc. 

Đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.

Thảo luận tại kỳ họp, nhắc lại quá trình Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay việc "sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong". 

Theo bà Thúy, quá trình xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành và với môn lịch sử, trước khi ban hành cũng được xin ý kiến và sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử.

Dưới góc độ khoa học giáo dục, bà Thúy phân tích nếu sửa môn lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS. Vì chương trình phân môn lịch sử ở cấp này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới. 

Việc dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp. 

Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng việc sửa trong bối cảnh này có phù hợp không hay là "đẽo cày giữa đường" khi chỉ còn ba tháng nữa là năm học mới bắt đầu. 

"Chúng ta phải xem xét thật kỹ" - bà Thúy nêu và cho rằng Bộ GD-ĐT có khoảng trống trong tuyên truyền, phổ biến và mọi việc để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện.

Cần thay đổi phương pháp thi, kiểm tra

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại các cuộc tọa đàm trước đó đã có những trao đổi rất quyết liệt, thậm chí gay gắt về việc giữ môn lịch sử là lựa chọn hay bắt buộc. 

Theo ông Vinh, đối chiếu chương trình môn lịch sử mới với chương trình 2006, ủy ban đánh giá có nhiều tiến bộ và không băn khoăn về chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu ý kiến cử tri và các chuyên gia chỉ băn khoăn là nếu học sinh ở cấp THPT không chọn môn lịch sử thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa.

Ông đề nghị nếu chuyển lịch sử thành môn học bắt buộc không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi học sinh học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống THPT không nhất thiết phải cho tất cả học sinh học.

Đồng thời, ông đề nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi kiểm tra, đánh giá môn lịch sử thay vì nhớ các con số, sự kiện; cần tạo cho học sinh thể hiện sự hiểu biết rộng, sáng tạo hơn.

Sau đó, các thành viên ủy ban đã giơ tay đồng thuận 100% thông qua báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Nguồn: Tuoitreonline

Thông tin truy cập

Truy cập: 1187880

Trực tuyến: 98

Hôm nay: 272